Bệnh giang mai tăng nhanh, có thể tổn thương tim, gan và tử vong
Giang mai là bệnh hoa liễu cổ xưa, đã từng ít thấy bóng dáng nhưng vài năm trở lại đây, số ca mắc bệnh đang tăng nhanh trở lại.
Theo thống kê của BV Da liễu TP.HCM, thời điểm năm 2010, BV chỉ tiếp nhận gần 800 ca thì đến năm 2018, con số này đã vượt 5.300 ca, gấp hơn 6 lần.
Đáng lưu ý, bệnh đang có xu hướng trẻ hoá, nhiều bệnh nhân mới 13-15 tuổi, và tỉ lệ người đồng giới nam bị nhiễm bệnh khá cao.
Đường lây truyền bệnh giang mai
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên.
Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ tình dục truyền thống, quan hệ qua đường hậu môn, oral sex). Ngoài ra bệnh còn lây qua đường máu và lây từ mẹ sang con.
Bệnh giang mai xuất hiện ở Châu Âu từ thế kỷ 16, tại Việt Nam, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.
Bệnh diễn biến nhiều năm (10, 20, 30 năm ) có khi cả đời, có lúc rầm rộ, có những thời kỳ im lặng không có triệu chứng gì, làm cho người bệnh lầm tưởng đã khỏi và có thể lây truyền cho thế hệ sau.
Triệu chứng, dấu hiệu của bệnh giang mai
Thời kỳ ủ bệnh của giang mai trung bình khoảng 3-4 tuần, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện các dấu hiệu sớm ngay sau khi nhiễm bệnh 10 ngày hoặc xuất hiện dấu hiệu muộn sau 100 ngày.
Giang mai có 3 giai đoạn phát triển, tuỳ mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng đặc hiệu khác nhau, trong đó bệnh lây mạnh nhất ở giai đoạn 1 và 2:
– Giai đoạn 1: Các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây và kéo dài 1-2 tháng, là thời kỳ xoắn khuẩn xâm nhập tại chỗ và qua hệ thống mạch máu lan nhanh ra toàn thân.
Đặc trưng của thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai với các biểu hiện: Xuất hiện vết chợt nông hình tròn hay bầu dục, không có gò nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng (vì vậy gọi là “săng cứng”).
Vị trí của săng thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu … Ngoài ra săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi…
Hạch: Hạch vùng bẹn sung to, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.
– Giai đoạn 2: Là thời kỳ nhiễm trùng máu, xuất hiện sau 6-8 tuần khi có vết loét. Xoắn khuẩn xâm nhập vào tất cả các cơ quan phủ tạng . Tổn thương đa dạng nhưng chưa phá huỷ tổ chức nên có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời.
Thời kỳ này đối với bản thân bệnh nhân chưa thực sự nguy hiểm nhưng đối với cộng đồng xã hội thì rất nguy hiểm vì lây lan rất mạnh, ở tất cả các tổn thương đều có xoắn khuẩn.
Các tổn thương ở niêm mạc xuất hiện rầm rộ và lan toả trong khi đó 1/3 số trường hợp trợt, loét giang mai vẫn tồn tại chưa mất hết. Ngoài ra trên cơ thể xuất hiện các vết ban đỏ hồng rải rác, viêm hạch lan toả, rừng tóc kiểu lưa thưa.
Người ta chia giang mai thời kỳ 2 thành: Giang mai thời kỳ 2 sơ phát và giang mai thời 2 tái phát (giữa 2 thời kỳ này có giai đoạn ẩn không triệu chứng gọi là giang mai kín) .
Khi bị giang mai tái phát giai đoạn 2, nếu không được điều trị, các thương tổn này cũng tự mất đi nhưng không phải là khỏi mà bệnh ẩn vào trong và tiếp tục phá hoại cơ thể (giang mai kín).
– Giai đoạn 3: Đặc điểm của thời kỳ này là tổn thương khu trú mang tính chất ăn sâu, phá huỷ tổ chức, gây nên những di chứng không hồi phục.
Trong đó biến chứng nguy hiểm nhất là là giamg mai tim mạch (chiếm 10%), thường xuất hiện sau 10-40 năm sau khi bị bệnh, gây phồng động mạch chủ, hở động mạch chủ và giang mai thần kinh (chiếm 4%), xuất hiện sau 10-25 năm.
Khi bị giang mai thần kinh, lúc này vi khuẩn ăn sâu vào tủy sống, vào não gây viêm màng não huyết quản, gây rối loạn tâm thần, rối loạn tiết niệu, rối loạn dinh dưỡng, bại liệt toàn thân…
Theo thống kê, có khoảng 30-50% bệnh nhân giang mai chuyển thành giang mai 3. Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5, thứ 10 của bệnh.
“Gôm” giang mai xuất hiện ở da, cơ, xương, mắt, hệ tiêu hoá, hệ nội tiết. Các gôm sau vỡ thường để lại sẹo rúm ró, vị trí thường gặp là da đầu, mông, đùi, cẳng thân, vùng trên ngực, miệng, môi…
Các xét nghiệm chẩn đoán giang mai
Để chẩn đoán giang mai giai đoạn sớm, bác sĩ có thể lấu mẫu từ chính vết lở loét, dịch âm đạo, dịch niệu đạo của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi nền đen quan sát, tìm xoắn khuẩn gây bệnh.
Ở giai đoạn muộn hơn, ngoài căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán giang mai, với các phản ứng RPR (cho kết quả chính xác sau 14 ngày nhiễm bệnh), xét nghiệm đặc hiệu TPHA, TPPA, FTA-abs…
Nếu bị giang mai thần kinh hoặc giang mai tim mạch cần lấy thêm dịch não tủy để làm các xét nghiệm trên.
Thai chết lưu hoặc sinh non nếu mẹ nhiễm bệnh
Nếu không may mẹ bị bệnh giang mai, thai nhi trong bụng sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh (giang mai bẩm sinh) khiến thai dễ chết lưu, sinh non hoặc nhẹ cân.
Sự lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con không xảy ra trong 3 tháng đầu mà bắt đầu từ tháng thứ 4-5 trở đi, khi máu mẹ và máu con giao lưu với nhau.
Khi bị nhiễm số lượng vi khuẩn lớn, thai có thể chết lưu hoặc tử vong ngay sau sinh. Nếu bị nhẻ hơn, thai nhi vẫn sinh nhưng trong vài ngày hoặc sau 6-8 tuần sẽ xuất hiện tổn thương giang mai như bọng nước lòng bàn tay, bàn chân, nứt mép, chảy nước mũi lẫn máu… hoặc trẻ gầy gò, da nhăn nheo, bụng to, lách to.
Khi mắc giang mai bẩm sinh, trẻ sẽ mang vi khuẩn suốt đời, về lâu dài sẽ có các biểu hiện sức khoẻ như đục thủy tinh thể, điếc, động kinh, chậm phát triển, tổn thương xương, thậm chí tử vong.
Do đó, các thai phụ nên làm xét nghiệm bệnh giang mai tối thiểu 1 lần trong quá trình mang thai, để nếu phát hiện bệnh sẽ điều trị ngay lập tức.
Điều trị bệnh giang mai
Giang mai nếu được phát hiện sớm, điều trị dễ dàng và tỉ lệ khỏi rất cao. Hiện nay Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã áp dụng rộng rãi phác đồ điều trị giang mai của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong đó dùng Benzathine Penicilline 2.4 triệu UI-IM liều duy nhất tiêm vào mông, mỗi bên mông 1/2 liều hoặc Procaine Pe1nicilline tiêm bắp 1.2 triệu UI.IM/ngày x 10 ngày.
Nếu dị ứng Penicilline dùng Tetracycline 500mg x 4v/ngày/10 ngày hoặc Doxycycline 100mg x 2v/ngày uống trong 14 ngày hoặc Erythromycine 500mg x 4v /ngày uống trong 15 ngày.
Trường hợp bị giang mai muộn (tiến triển trên 1 năm), áp dụng Benzathin Penicilin: Tiêm mông mỗi lần 2,4 triệu đơn vị, tổng liều: 4 lần (9,6 triệu đơn vị), mỗi lần cách nhau 1 tuần, hoặc Procain Penixilin G, tiêm bắp 1,2 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 3-4 tuần.
Lưu ý, không chỉ điều trị cho bản thân người mắc bệnh mà cần điều trị cho cả bạn tình. Sau điều trị, cần tái khám định kỳ để đảm bảo các triệu chứng lâm sàng đã lành. Làm lại các xét nghiệm đặc hiệu sau 6-12 tháng.
Cách phòng bệnh giang mai
Cách hiệu quả nhất là thực hiện đời sống tình dục lành mạnh, 1 vợ 1 chồng. Riêng với giang mai, dùng bao cao su chỉ có thể ngăn chặn một phần vì xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập qua điểm tiếp xúc khác không được che chắn.
Việc dùng thuốc dự phòng ngay trong những giờ đầu sau khi giao hợp cũng là muộn vì xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập qua các sây xát vi thể, rồi xâm nhập đi theo đường bạch huyết vào các hạch rất nhanh.
Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không tự mua thuốc điều trị.
Minh Anh
Cậu nhỏ nam thanh niên chảy mủ sau khi oral sex ở quán karaoke
– Nghĩ quan hệ bằng miệng an toàn, nam thanh niên thử vui vẻ tại quán karaoke một lần, không ngờ dính bệnh lậu.