Viêm gan B, sát thủ thầm lặng gây ung thư gan phòng tránh thế nào cho hiệu quả
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan siêu vi B (HBV). Khi nhiễm virus, người bệnh sẽ phải sống chung suốt đời. Virus viêm gan B là “sát thủ thầm lặng”, gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính, đe doạ nghiêm trọng về sức khoẻ và tử vong do các biến chứng.
Người nhiễm virus viêm gan B cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
Do các triệu chứng của viêm gan B tiến triển rất âm thầm nên 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Nhiều bệnh nhân khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, dẫn tới bị xơ gan, ung thư gan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu không được điều trị, viêm gan B sẽ diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan sau 3-5 năm hoặc 10-20 năm, tuỳ trường hợp.
Theo các số liệu thống kê, trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện thế giới có khoảng 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm virus và hơn 400 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.
Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao nhất trong khu vực. Trong đó có tới 10-15% dân số mắc viêm gan B (trên 15 triệu người) trong khi ở mức 8% đã được xem là cao. Cá biệt, một số nhóm dân cư, tỉ lệ nhiễm lên tới 20%.
Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18 – 60 tuổi, tỉ lệ người khỏe mạnh mang virus thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 – 25%. Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng từ 10 – 20% và ở trẻ em là 2-6%. Mỗi năm Việt Nam có thêm 30.000 ca mắc mới.
2. Virus viêm gan B lây truyền như thế nào?
Virus viêm gan B lây truyền qua 3 đường chính giống như HIV:
– Lây từ mẹ qua con: Trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm virus viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền virus từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng.
Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, trẻ sinh ra có nguy cơ lây nhiễm từ 10-90%. Trong giai đoạn mang thai rất hiếm xảy ra lây truyền từ mẹ sang con, không quá 2%. Virus lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ.
90% số trẻ nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành mạn tính.
– Lây truyền qua đường máu: Tiêm, truyền (truyền máu, hiến máu, tiêm chích, xăm hình,…) không an toàn hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của người bị bệnh qua các vết xước, vết thương hở có thể dễ dàng nhiễm virus viêm gan B.
– Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể. Virus có thể lây nhiễm thông qua tất cả các hành vi tình dục khác giới hoặc đồng giới.
Tại Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu nhiễm virus viêm gan B là qua đường máu và từ mẹ sang con.
GS Nguyễn Văn Mùi, nguyên PGĐ BV Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng xây dựng phác đồ điều trị viêm gan virus áp dụng trên toàn quốc cho biết, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Nếu như virus HIV không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể và không thể lây nhiễm trong môi trường tự nhiên thì virus viêm gan B có thể sống ở ngoài tự nhiên đến 1 tháng.
Theo GS Mùi, viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: Thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là thể ngủ) và thể hoạt động.
Ở “thể ngủ”, virus chỉ tạm thời không hoạt động, vẫn có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với virus bị giảm.
Nếu virus “ngủ yên”, chưa phá huỷ tế bào gan, xét nghiệm men gan vẫn bình thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác qua đường máu hoặc đường tình dục.
3. Triệu chứng nhận biết viêm gan B và cách phát hiện
Viêm gan B gồm thể cấp và thể mãn tính. Ở thể cấp, các dấu hiệu có thể nhận biết dễ dàng hơn, trong khi đó, thể mạn tính diễn tiến vô cùng âm thầm, dễ bị bỏ qua.
Viêm gan B cấp: Bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có men gan tăng cao.
Nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, triệu chứng rất mờ nhạt, không ồ ạt, mà chỉ là tiểu sậm màu thoáng qua, ăn kém.
Khi mắc viêm gan B thể cấp, tuỳ độ tuổi mắc, tỉ lệ hồi phục sẽ khác nhau. Nếu mắc bệnh dưới 10 tuổi, nhất là dưới 1 tuổi, thì 90% trường hợp virus vẫn tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều tháng, nhiều năm gây ra nhiễm viêm gan B mạn tính. Ngược lại nếu nhiễm bệnh trên 10 tuổi, đặc biệt trên 18 tuổi thì 90% sẽ hồi phục hoàn toàn.
Với thể mạn tính, cách phát hiện duy nhất là xét nghiệm máu. Hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan B ở Việt Nam đều tình cờ được phát hiện khi kiểm tra sức khoẻ tổng quát hoặc đi hiến máu, kiểm tra thai kỳ.
Ở trường hợp mạn tính, thể người lành mang virus hoặc nhiễm virus viêm gan B thể ngủ không có triệu chứng gì đặc hiệu.
Tuy nhiên với những trường hợp nhiễm viêm gan B thể hoạt động (viêm gan siêu vi B mãn), người bệnh sẽ có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng do virus tấn công vào gan khiến gan to, xơ, men gan tăng cao. Dù vậy, một sôt rường hợp vẫn không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi kiểm tra sức khoẻ.
4. Cách điều trị viêm gan B
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc TT Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai nhấn mạnh, với viêm gan B mạn tính, bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời.
“Bản chất viêm gan B là virus gắn chặt vào nhân tế bào gan, rất khó chữa khỏi hẳn, việc dùng thuốc chỉ ức chế virus, nếu ngưng thuốc, virus sẽ bùng phát trở lại”, PGS Cường thông tin.
Trong vài năm gần đây, đã có những thuốc kháng virus viêm gan B rất hiệu quả giúp virus không nhân lên, từ đó giúp gan không bị tổn thương thêm, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.
Trung bình mỗi đợt điều trị từ 3-6 tháng nhưng hiện hầu hết các thuốc điều trị viêm gan B đã được Bảo hiểm y tế thanh toán, bệnh nhân có thể nhận thuốc ngay tại các tuyến y tế cơ sở với chi phí vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng.
Trong quá trình điều trị, cứ 6 tháng -1 năm, bệnh nhân cần đo tải lượng virus để đánh giá chức năng gan xem có bị ứ mật, xơ hoá. Nếu xơ hoá giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để theo dõi.
Khi điều trị viêm gan B, điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không bỏ thuốc giữa chừng và cần tuyệt đối bỏ rượu, bia.
Với các trường hợp mẹ nhiễm viêm gan B khi mang thai, trong 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để giảm lượng virus trong máu nhằm giảm khả năng lây cho thai khi sinh.
5. Cách phòng tránh viêm gan B hiệu quả
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, do đó tiêm vắc xin ngừa sớm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vắc xin phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu) sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80–95%. Liều thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B (vắc xin 6 trong 1 hoặc vắc xin 5 trong 1) bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng.
Nếu tiêm muộn hơn 24 giờ sau sinh, hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Ở người lớn chưa có kháng thể với viêm gan B (AntiHBs âm tính), sẽ được tiêm vắc xin viêm gan B 3 mũi theo trình tự 1 – 2 – 3, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng. Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 5, 10 năm hoặc khi xét nghiệm không thấy còn kháng thể.
Ngoài ra, để phòng tránh viêm gan B cần quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su để tránh lây bệnh; không dùng chung bơm kim tiêm; không xăm hình, làm răng, xăm mắt, môi tại những nơi không đảm bảo điều kiện vô trùng dụng cụ; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như bàn chải đánh răng…
Thúy Hạnh
Average Rating